Ngày nọ, bốn vị giáo sư
vào chầu, Đức vua phán hỏi:
Trẫm muốn biết rõ trong đời này có hai hạng người: người giàu
mà kém trí tuệ, và kẻ có trí tuệ nhưng lại nghèo, hai hạng nầy ai là hạng người
cao quý hơn?
Giáo sư Senaka Acarya
tâu:
Theo hạ thần nghĩ thì người giàu quý hơn hết, trong đời này
dù là người có trí tuệ bao nhiêu, làm quan đại thần hay con dòng sang cả mà
nghèo thì cũng cần phải kính nể người giàu, làm tôi cho kẻ giàu sai khiến. Mặc
người giàu có tật nguyền, điếc, câm v.v... cũng làm chủ kẻ khác được.
Nghe tâu, Đức vua liền
hỏi Bồ Tát:
Con hiểu thế nào?
Tâu, kẻ ngu si vô trí tuệ khi có của nhiều thì say mê, dù là
hạnh người sang cả cũng thế, cho rằng ta là cao quý, rồi hằng gây những nghiệp
dữ không hổ thẹn và không ghê sợ tội lỗi, ý nghĩa làm sao thì thi hành như vậy,
cứ theo ý muốn của mình. Những kẻ tối tăm thường không thấy xa, chỉ biết trong
kiếp hiện tại, không xét đến ngày vị lai nên tạo biết bao điều ác, sau khi tan
rã ngũ uẩn sẽ sa trong ác đạo, rồi sinh lên cõi đời làm người nghèo hèn, khổ sở
do các điều dữ đã tạo. Vì kẻ thiếu trí tuệ mới sa đắm, trong tài sắc danh
lợi. Tâu, tôi quan sát thấy như thế, mới hiểu rằng người có trí tuệ cao quý
hơn.
Đức vua nghe xong, rồi
hỏi lại Senaka Acarya:
Khanh hiểu thế nào?
Tâu, Mahosatha còn bé, miệng còn hôi sữa, biết gì, xin Hoàng
thượng hãy nghe theo hạ thần. Không cần nói chi xa xôi như triệu phú Govinda,
ông nghề chi cũng chẳng biết, con trai, con gái cũng chẳng không. Thân hình rất
xấu xa, khi nói chuyện thì nước miếng tung chảy. Có hai nàng đẹp như ngọc nữ
chực hờ dùng hoa sen xinh tươi chờ hứng nước miếng. Biết bao khách tới lui nườm
nượp. Họ hết lòng tôn trọng, cho đến người sang cả cũng kính nể. Bấy nhiêu cũng
tỏ rằng người có của là quý hơn bậc có trí tuệ.
Bồ Tát tâu:
Senaka chẳng sáng suốt chỉ thấy gần, chỉ biết cái được mà
không thấy cái mất, không quan sát chu đáo... Ví như chim quạ thấy cục cơm con
người làm rớt, hoặc như chó thấy miếng thịt trong nồi quên đậy nắp, không xem
chừng mũi tên đã sẵn hay cây gậy họ sẽ bổ lên đầu. Lệnh Hoàng thượng nên thẩm
xét. Lệ thường kẻ có của mà vô trí tuệ, khi được vui thì hằng cẩu thả vì không
thấy được ba vạn vật là vô thường, khổ não và vô ngã. Chỉ biết say mê ngũ dục
mãi mãi, không tưởng đến sự chết ngày mai. Kẻ tối tăm thiếu trí khi gặp khó, ai
hại đến thì quên mình toan dẫy dụa như cá bị liệng trên khô. Kẻ vô trí tuệ
trong giờ hấp hối thì vật mình kêu khóc, thương tiếc vợ con, của cải, thân
thuộc, quyến luyến trong vật dục. Nhớ đến các nghiệp ác đã tạo, rồi kinh sợ
trong bốn ác đạo. Vì thế mà phải nóng nảy vật mình, bực tức khóc kể, sợ sa địa
ngục, cũng vì thiếu trí tuệ.
Trái lại có trí tuệ hiểu
rằng sinh ra trong nẻo luân hồi thì phải chịu luật tuần hoàn tử sinh, sinh tử
là một công lệ không sao tránh khỏi đươc.
Tâu bệ hạ, hạ thần thấy
rằng: người mà dính mắc trong của cải thì khó tránh được ác đạo không nơi nương
tựa. Dù là vợ chồng con cái, thân thuộc, bạn bè, cũng không làm cho sự đau khổ
được nhẹ nhàng, chỉ lấy mắt nhìn nhau mà chịu, không sao cứu vớt được...
Đức vua xoay qua hỏi
Senaka:
Mahosatha tâu như thế khanh nghĩ sao?
Tâu, Mahosatha biết gì, hạ thần xin thí dụ:
Cây có trái hằng có loài
điểu thú thường lũ lượt bay đến kiếm ăn không dứt, thì người có của cũng hằng
có người vãng lai đông đúc. Cho nên người đời chỉ có tiền của là hưởng hạnh
phúc an vui. Còn kẻ dù có trí tu ệ đến đâu mà nghèo thì không ai ngó đến. Do đó
hạ thần tâu rằng người có của quý hơn kẻ có trí tuệ mà nghèo.
Đức vua liền xoay qua
hỏi Mahosatha:
Senaka tâu như vậy con nghĩ sao?
Tâu hoàng thượng! Senaka giải như trẻ lên ba tuổi, thấy sao
nói vậy. Kẻ vô trí tuệ ví như cây có trái độc, điểu thú nào đến ăn quả sẽ khổ,
khác chi người có của mà thiếu trí tuệ. Vì kẻ nào tới lui thân cận, họ sẽ chết
tức là hư hao của cải, vì kẻ vô trí tuệ hay bày mưu kế để đoạt của người, chỉ
tìm và làm việc bất chính là người ác mà không biết hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi.
Sau khi thác sẽ xuống ác đạo, sẽ bị chịu khổ lâu đời, bị quỷ sứ hành hạ đánh
đập, chém đâm bằng các vũ khí cháy đỏ vô cùng khổ sở. Đó cũng vì thiếu trí tuệ.
Tâu Hoàng thượng người có trí tuệ là quý hơn.
Đức vua phán hỏi lại
Senaka:
Lời Mahosatha như thế khanh có đồng ý chăng?
Tâu xin Hoàng thượng đừng tin lời Mahosatha. Hạ thần xin thí
dụ: Nước của sông rạch, một khi đã chảy đến biển rồi, không còn tên cũ nữa.
Người trí tuệ khi gặp kẻ giàu thì đành chịu lu mờ, không rõ rệt. Tôi xét như
thế mới tâu rằng kẻ giàu quý hơn người trí tuệ là vậy.
Đức vua chưa vừa ý lại
hỏi Mahosatha:
Senaka giảng như thế con nghĩ sao?
Tâu hoàng thượng chẳng nên nghe lời Senaka. Nước của các sông
rạch lớn nhỏ chảy vào biển, biển giao tiếp nhau bằng lượng sóng nghe lăn tăn,
lách tách. Dù cho sóng có lực lượng đến đâu tạt vào bờ biển cũng dội lại, không
vượt khỏi bờ biển được. Như kẻ ngu độn thiếu trí tuệ, tranh luận một điều gì
với ai cũng chẳng lướt qua bậc trí tuệ. Những người thiếu học được biết tội
phước, lợi hại, chính tà cũng nhờ nghe bậc trí tuệ là quý hơn.
Nghe rồi Đức vua xoay
qua hỏi Senaka.
Senaka tâu rằng:
Tâu lệnh Hoàng Thượng, chớ nên tin lời của Mahosatha. Kẻ giàu
dù đi, đứng, ngồi trong nơi nào cũng có người kiêng nể, tiếp rước. Chuyện quấy
thành phải, chuyện phải ra quấy, mặc dù là bất công.
Người có tiền sẽ được
phần đông hưởng ứng, nói chi công chúng đều xu hướng theo.
Thấy như vậy nên hạ thần
tâu rằng người triệu phú cao quý hơn.
Đức vua bèn phán hỏi
Mahosatha:
Con nghĩ sao tâu cho trẫm rõ?
Tâu, Senaka chỉ thấy trong kiếp hiện tại, là người thiếu trí
thấy gần không ngó xa. Những người có của, vô trí tuệ đen nói trắng, trắng nói
đen mà người đời cũng nghe theo, là vì phần đông là thiếu học. Họ nào có biết
sẽ bị bậc hiền minh chỉ trích, đến khi thác còn phải chịu quỷ sứ hành hình
nhiều kiếp trong địa ngục. Tiếng xấu còn lưu danh muôn thuở.
Đức vua lại hỏi Senaka:
Còn khanh nghĩ sao? Ông nầy tâu:
Người trí tuệ có sự hiểu biết dày như địa cầu “dày hai ngàn
bốn trăm do tuần (một do tuần bằng mười sáu cây số) mà nghèo thì nói lời hay
cũng vô quả. Khi đến gần người có của thì ẩn bóng dấu hình, mất mặt ví như đom
đóm ánh sáng nhỏ không được rực rỡ khi mặt nhật mọc lên. Do đó nên hạ thần tâu
rằng người có của cao quý nhất trên đời.
Đức vua nói với
Mahosatha:
Con nên giải cho trẫm nghe thêm có được chăng?
Tâu lệnh Hoàng thượng, Senaka là người không thấy xa hiểu
rộng. Bậc trí tuệ thốt lời ngay thật mà không nói xuyên tạc theo ai. Bậc trí
tuệ hằng được dân chúng ngợi khen và cúng dường bằng các vật báu giữa nơi đô
hội. Người trí tuệ hằng quý lời nói ngay thật, sau khi mạng chung được tái sinh
làm vua hoặc lên cõi trời. Vì thế nên tôi tâu rằng người có trí tuệ cao quý
hơn.
Giáo sư Senaka tâu:
Lời của Mahosatha vừa tâu, thánh thượng chẳng nên tin. Bò
trâu, tôi trai, tớ gái, các thanh nam nữ cho đến những ngọc mani xa cừ v.v...
chỉ có trong dòng giõi phú gia. Các loài thú cũng thường có đông đúc để làm
phương tiện vận tải.
Người có của hằng được
thêm nhiều báu vật. Do đó, mà hạ thần mới gọi là kẻ giàu có quý hơn.
Đức vua quay qua hỏi
Mahosatha.
Bồ Tát tâu rằng:
Tâu, người không có trí tuệ, dù có nhiều của cũng khó gìn giữ
được lâu dài, vì của cải phải bị tiêu mòn. Ví như loài rắn không thể giữ da
được mà phải lột da bỏ lại. Những người chứa của được là phải có trí tuệ, nếu
thiếu trí tuệ dù là triệu phú, của ấy cũng bị hao mòn. Vì thế hạ thần mới tâu
rằng bậc trí tuệ hơn cả.
Đức vua bèn hỏi lại
Senaka. Senaka thầm nghĩ:
Lần này ta làm cho Mahosatha phải phục tùng ta mới được. Nghĩ
thế ông ta tâu:
Tâu, tất cả chúng tôi đây hầu hạ chờ lệnh Hoàng thượng. Hoàng
thượng là bậc cao quý lãnh đạo, chúng tôi là hàng có trí tuệ ví như Đức Đế
Thích hay đàn áp chư tiên.
Nếu người có trí tuệ là
quý, hà tất phải đến tôn sùng người có của như Hoàng thượng. Tâu, em Mahosatha
chỉ đem kiếp vị lai để giải thuyết không thấy những lợi ích trong hiện tại. Thử
hỏi, nếu người có trí tuệ là quý cớ sao lại vào hầu chực Thánh thượng như vầy?
Lời Senaka trình bầy
đây, nếu không phải là Bồ Tát thì khó mà suy tưởng sự lý, ngõ hầu giải đáp cho
phân minh được. Mahosatha liền tâu:
Giáo sư Senaka là người mù chỉ biết lợi danh trong đời mà
quên đức tính thanh cao là trí tuệ. Kẻ vô trí tuệ khi gặp lo sợ, nan giải thì
hằng nương nhờ vào bậc trí tuệ chỉ dẫn mới rõ đường tà nẻo chánh. Kẻ giàu thiếu
trí tuệ hay mù quáng say mê ngũ dục rồi bị sa sút, bị người chê bai khinh rẻ.
Lúc hữu sự thì tối tăm lo sợ, tìm nương vào bậc trí tuệ, cầu cho các ngài phá
nghi và cứu vớt bằng tinh thần mới được an vui.
Do đó mà bảo tồn tài sản được lâu dài. Như Hoàng thượng nhờ nương vào
bậc trí tuệ nên không say mê trong của cải là nhân lôi cuốn chúng sinh vào vòng
sinh tử luân hồi. Do có trí tuệ mà sinh linh đắc đạo quả Niết bàn, thoát ly khổ
hải.
Các bậc sáng suốt, nhất
là Hoàng thượng hằng ngợi khen và tìm kiếm bậc trí tuệ. Các hàng thánh tử được
khỏi luân hồi, hết phiền não cũng do trí tuệ. Như thế không gọi trí tuệ là cao
quý hơn sao.
Đức vua nghe thế bèn hỏi
lại Senaka:
Còn lời chi trình bày nữa chăng?
Khi ấy giáo sư Senaka
không còn biết chi để thi thố, nên gục mặt hổ thẹn làm thinh, Đức Bồ Tát
Mahosatha bèn nói tiếp:
Trí tuệ là một đức tính mà bậc cao nhân hằng ưa thích, tôn
trọng. Kẻ vô trí tuệ hằng say mê của cải, quyền tước lợi danh. Bậc trí tuệ
không quyến luyến vật chất, bởi đã quan sát thấy rõ ràng vật chất của cải hằng
xúi dục con người gây nhiều tội lỗi, rồi phải bị trầm luân, là nhân sinh các thống
khổ không sao tả xiết. Chỉ người trí tuệ, mới phán đoán, biết tìm phương pháp
thoát khổ được. Không có chi đem so sánh với đức tính của trí tuệ được. Năng
lực của cải không sao vượt khỏi trí tuệ. Nhận thấy thế nên hạ thần tâu rằng:
trí tuệ cao quý nhất.
Đức vua nghe tâu lời hữu
lý nên rất hoan hỷ, bèn ban thưởng nhiều báu vật hơn các lần trước.